Tượng Phật A Di Đà - TC109

1.800.000 VND 1.710.000 VND

Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi tây phương cực lạc. A Di Đà có nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ. Nghĩa là hào quang và tuổi thọ của Ngài không thể lường được.

Gọi đặt hàng

Phật A Di Đà

Chất liệu: Gỗ trắc bách diệp.

Kích thước: Cao 23cm

DANH HIỆU.

Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi Cực-lạc phương tây A Di Đà có nghĩa vô lượng quang, vô lượng thọ. Nghĩa là hào quang và tuổi thọ của Ngài không thể lường được.

TIỀN THÂN.

Thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có vị quốc vương tên Kiều Thi Ca nghe Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi vua xuất gia làm Tỳ-kheo hiệu là Pháp Tạng. Một hôm, Ngài đảnh lễ Phật cầu xin chứng minh cho Ngài phát 48 lời nguyện. Do nguyện lực ấy, sau này Ngài thành Phật hiệu A Di Đà ở cõi Cực-lạc. (Kinh Đại A Di Đà) Lại, một thuở xa xưa ở cõi San Đề Lam có ông vua tên Vô Tránh Niệm. Do đại thần Bảo Hải khuyến tiến, nhà vua gặp đức Phật Bảo Tạng, thành tâm cúng dường, quy y thọ giáo. Nhà vua phát nguyện sau này thành Phật sẽ làm giáo chủ một cõi cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh để giáo hóa chúng sanh. Đức Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài sau này sẽ thành Phật hiệu A Di Đà, cõi nước tên Cực-lạc ở phương Tây. Hiện giờ Ngài đã thành Phật và đang thuyết pháp tại đó. (Kinh Bi Hoa)

HẠNH NGUYỆN.

Đức Phật A Di Đà xưa phát 48 lời nguyện lớn, trong đó có lời nguyện sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài. Dù người ấy chỉ niệm mười câu danh hiệu Ngài, Ngài cũng tiếp dẫn vãng sanh về cõi Cực-lạc.

BIỂU TƯỚNG.

Đức Phật A Di Đà thường thờ có hai tượng: Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tự tượng Thích Ca. Tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng dậy chập chồng, mắt Ngài nhìn xuống, tay mặt đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu những người đang trầm mịch. Tượng ấy gọi là tượng Di Đà phóng quang.

THÂM Ý.

Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa tượng phóng quang này. Theo trong mật giáo giải thích: tay mặt Phật đưa lên biểu thị tứ thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật), tay trái duỗi xuống biểu thị lục phàm (Thiên, nhơn, A-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục). Nghĩa là Ngài sẵn sàng tiếp độ lục phàm đưa lên quả vị tứ thánh. Ý nghĩa hình tượng này, chúng ta thấy rõ hơn, qua bốn câu kệ tán dương Ngài:

Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba;
Dục thoát luân hồi lộ,
Tảo cấp niệm Di Đà.

Tạm dịch:

Sông ái sóng ngàn thước,
Bể khổ dậy muôn trùng;
Kiếp luân hồi muốn thoát,
Sớm gấp niệm Di Đà.

Chúng ta là những chúng sanh đang đắm chìm trong sông ái, nước mắt đau thương thống khổ tràn trề như bể cả. Đức Phật Di Đà đang đứng chực trong hư không, đã duỗi cánh tay vàng chờ đợi cứu vớt chúng ta. Nhưng chúng ta có chịu ngoi đầu lên khỏi dòng sông ái, đưa tay cho Ngài cứu vớt hay không? Hay cứ mãi lặn hụp trong sông mê bể ái, để đức Phật mãi đợi chờ mà không có một sự đáp ứng nào? Cánh tay vàng kia cứ duỗi thẳng đợi chờ, mà đàn con dại này mãi say mê lội đuổi bắt những hòn bọt, lặn mò bóng trăng. Để rồi bị sóng cuốn nước trôi càng ngày càng ra khơi, khiến người mẹ hiền kia đã lạc giọng kêu gọi.

Kinh chép:

Các đức Như Lai trong mười phương nhớ thương chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn mẹ thì cái nhớ ấy cũng không ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ và con trong đời này, trong các đời sau quyết không xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thì trong hiện tại và ở tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa... (Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí niệm Phật).
Hai người cùng hướng mặt về nhau mà đi, dù điểm phát xuất cách xa thế mấy, nhưng cũng được gặp nhau. Nếu hai người trở lưng mà đi, dù khi khởi hành họ ở bên cạnh nhau, song càng đi họ càng xa nhau. Đức Phật luôn luôn hướng về chúng ta, nếu chúng ta cứ né trốn Ngài thì làm sao gặp được Phật. Đáng lý chúng ta có cảm thì Phật mới ứng song ở đây đức Phật sẵn sàng ứng, mà chúng ta không chịu cảm, thật đúng câu Phật quở: "các ông là người mê muội đáng thương".
Người phát tâm tu Tịnh độ tin chắc đức Phật đang chờ đợi tiếp đón chúng ta về cõi Cực-lạc (tín), gắng công niệm Phật (hạnh), mong mỏi được sanh về cõi Phật (nguyện). Có đủ ba yếu tố này nhất định sẽ vãng sanh về Cực-lạc.
Hình ảnh đức Phật A Di Đà là hình ảnh mong chờ đón tiếp. Chúng ta phải sớm thức tỉnh nhận chân sự khổ đau, trong khi đang đắm chìm trong bể ái, để quay về với đức Từ bi. Phật là hiện thân cứu khổ, chúng ta là thực thể khổ đau. Một ngày nào chúng ta không còn đau khổ, ngày ấy đức Phật sẽ không còn duỗi tay chờ đợi cứu vớt chúng sanh.