Thiền tông Đạt Ma
Chất liệu: Gỗ gõ đỏ Gia Lai (hay còn gọi Ka tè, bên)
Kích thước: Cao 80cm x rộng 36cm
Thiền Tông Đạt Ma do ngài Bồ Đề Đạt Ma khai sáng và chuyển hóa từ Thiền Tông Ấn Độ (hay Thiền Tam Muội), cách truyền dạy dựa vào các kinh sách phật. Phật Tổ Thích Ca là vị đầu tiên thực hiện và chỉ dạy phép Thiền Tam Muội, cũng như những pháp môn khác của Phật giáo.
Giai thoại “Niêm Hoa Vi Tiếu” trong lịch sử thiền học có giải thích: -Trong lúc thuyết pháp cho các đệ tử, Phật Tổ đưa cao lên một cành hoa sen (Niêm Hoa). Hầu hết, mọi người đều ngơ ngác, không hiểu việc gì. Chỉ có ngài Ca Diếp là người duy nhất cảm nhận được thâm ý của Phật Tổ lúc bấy giờ, và lập tức, đáp lại Phật Tổ bằng một nụ cười thông cảm (Vi Tiếu).
Từ đó, Thiền Tông Ấn Độ được Phật Tổ tâm truyền cho ngài Ca-Diếp. Ngài Ca-Diếp được nhận truyền y bát, kế thừa nhiệm vụ Tổ Sư Thiền Tông đời thứ hai. Dần dần, các kế tổ được truyền thừa y bát đến vị tổ thứ hai mươi tám (28) Bồ Đề Đạt Ma, cũng là vị tổ sau cùng của Thiền Tông Ấn Độ.
NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH
Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ Sư Thiền Tông Ấn Độ đời thứ hai mươi tám, lúc bấy giờ, xã hội Ấn Độ đang bị ảnh hưởng lâu đời của Bà La Môn giáo, và tín ngưỡng của dân Ấn, hầu hết, thiên nhiều về siêu hình, thần bí học. Cho nên, Ấn Độ lúc bấy giờ rất thích hợp cho Phật Giáo Duy Thức Tông, Chân Như Tông, Hoa Nghiêm Tông, và Không Luận Tông.
Trái lại, con đường trực chỉ quy nguyên của Thiền Tông rất khó khăn phát triển tại quê nhà. Do đó, Thiền Tông cần phải tìm đến một môi trường thích nghi như Trung Hoa.
Đúng theo lời di huấn của Tổ thứ hai mươi bảy (27), Ngài Bát Nhã Đa La (Prajanatra) truyền lại cho Tổ Bồ Đề Đạt Ma như sau: “Khi ta viên tịch, Sáu mươi năm sau, đệ tử nên du hành sang Trung Hoa truyền đạo, vì môi trường hướng Đông rất thích hợp với Thiền Tông.”
Theo các học giả Đông Tây, Trung Hoa và các nước thuộc miền Đông Châu Á là đất dụng võ, rất thích hợp phát triển Thiền Tông, vì phần lớn người dân bản xứ từng thấm nhuần, và áp dụng tinh thần hòa hợp các tư tưởng Lão Trang, trong cuộc sống hàng ngày. Đây là yếu tố thuận lợi, giúp cho tâm hồn con người dễ trở nên điềm đạm, hào sảng, chân thành, bình thản, quân bình, mẫn tiệp, hài hòa, an nhiên tự tại,…Những đức tính căn bản nầy rất cần thiết, như những viên gạch cốt tủy để xây dựng nền móng vững chắc cho Thiền Tông.
Vào năm 520 đời vua Lương Võ Đế, những ngày đầu tiên mới đến Trung Hoa, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy, hầu hết, những người học Phật chỉ hiểu theo danh số, hành theo sự tướng: “-Dĩ danh số vi giải, sự tướng vi hành.” (Theo Thiền Sư Khuê Phong, tác giả sách Thuyền Nguyên Chư Thuyên Tập). Cũng như Phụng trì giới hạnh, . . .
Tất cả khuynh hướng nầy đều là lớp vỏ bên ngoài, như phương tiện để diễn tả chân lý, giống như ngón tay chỉ trăng của Phật. Do đó, với tư tưởng cách mạng, chặt bỏ ngón tay chỉ trăng, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma chủ xướng một đường lối tu hành mới, đặt lại vấn đề “Giác Ngộ” cho người Trung Hoa.
TÔN CHỈ VÀ YẾU LÝ
Với chủ trương bất chấp phương tiện, và kinh sách, để đi thẳng vào tâm hồn con người, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma đã sáng chế ra bốn tôn chỉ thiền như sau : “- Giáo Ngoại Biệt Truyền, - Bất Lập Văn Tự, - Trực Chỉ Nhân Tâm, -Kiến Tánh Thành Phật”. Xin tạm dịch nghĩa là: “Truyền Riêng Ngoài Giáo, Không Dùng Chữ Viết, Vào Thẳng Lòng Người, Thấy Tánh Thành Phật. “
Do đó, yếu lý của Thiền là gì ? Theo Ngài chủ trương: “–Thiền là con đường đi thẳng vào tâm hồn con người, để đạt chân lý, chỉ thẳng vào bản chất, thể tánh của con người để giải thoát“. Cho nên, Thiền không thể nghiên cứu về mặt lý luận, mà phải là những kinh nghiệm sống thực, từ đó, để phát sinh ra những trực giác, đi thẳng vào đời sống tâm linh của con người.
Vì vậy, Thiền cũng có thể hiểu là một Đạo Sống của con người. Mọi phương diện của cuộc sống đều nằm trong Đạo Sống. Thí dụ:
- Tinh thần và thái độ cư xử hợp nhân bản đối với con người và mọi vật là Đạo (Nhân Đạo hay Đạo làm người).
- Viết văn, đọc sách, làm thơ, ca ngâm, chơi nhạc, vẽ tranh,... để nâng cao tâm hồn văn học nghệ thuật, và giáo dục đời sống con người là Đạo (Văn Đạo như người xưa có câu: Văn Dĩ Tải Đạo).
- Luyện tập võ thuật, thể dục, và chơi thể thao là Đạo (Võ Đạo).
- Nghệ thuật uống trà có Trà Đạo. -Việc dùng ngày giờ để thưởng thức cảnh vật thiên nhiên, làm vườn, cắm hoa, trang trí sạch sẽ nhà ở, nấu thức ăn, cách sử dụng y phục, và tất cả những hoạt động thích hợp với thời tiết, sức khỏe cá nhân, đều là Đạo (Đạo Dưỡng Sinh).
- Tập trung tinh thần và thưởng thức niềm vui thú trong các công việc làm hàng ngày, tại nhà hoặc nơi làm việc, cũng là Đạo.
Sau cùng, yên lặng cũng là Đạo,....Danh từ Thiền là một tiếng giản dị, nhưng ý nghĩa cao cả của nó lại vượt lên trên tất cả hiểu biết ngoại tâm, sắc tướng của con người. Chân lý Thiền không phải là đối tượng, có thể mang ra để thảo luận suông, xuyên qua sự thông hiểu của hàng trăm kinh sách. Một người dốt nát, không hiểu biết chữ nghĩa, cũng có thể đạt được chân lý Thiền. Nếu tâm của người đó tự nhận biết được bản tánh thực chất của mình.
Hiện nay, những sử sách ghi chép lại những lời thuyết giảng của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma gồm có: “Thiếu Thất Lục Môn”, các bài thuyết pháp, các bài kệ phú pháp,....“Thiếu Thất Lục Môn” còn gọi là “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất” là sách ghi lại sáu pháp môn đi vào đạo pháp Đạt Ma Tổ Sư Thiền Tông như :
1-Tâm Kinh Tụng (Bộ Kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật).
2-Phá Tướng Luận (Luận về Pháp Phá Tướng).
3-Nhị Chủng Nhập (Hai Nẻo Đường Đi Vào Đạo Pháp).
4-An Tâm Pháp (Phép An Tâm).
5-Ngộ Tánh Luận (PhépThấy Tánh Thành Phật).
6-Đạt Ma Huyết Mạch Luận (Phép Luận Chính Yếu Của Đạo Phật).
Sau đây là bài kệ phú pháp của Đạt Ma đọc trong lúc truyền y bát cho ngài Nhị Tổ Huệ Khả (Thần Quang):
“- Ngộ Bản Lai Tư Thổ, -Thọ Pháp Cứu Mê Tình. – Nhất Hoa Khai Ngũ Diệp, - Kết Quả Tự Nhiên Thành.“
Dịch nghĩa tạm là:
“- Ta Vốn Qua Trung Thổ, - Trao Pháp Cứu Mê Tình. – Một Bông Trổ Năm Lá, - Trái Kết Tự Nhiên Thành.”
Theo sách “Truyền Đăng Lục” (do Đạo Nguyên soạn năm 1101, đầu đời Tống), bài thuyết giảng đầu tiên cho triều đình Lương Võ Đế chính là phần cơ bản của "Đạt Ma Huyết Mạch Luận". Ngài đã đặt lại quan điểm: An Tâm, Kiến Tánh, Pháp thân, Phá Tướng, và các Nguyên Lý Thiền Đạo. Ngài rất thất vọng, vì triều đình Lương Võ Đế đại diện cho lớp người tầm thường về mặt tư tưởng, nệ cổ, thành kiến, và những phong tục tập quán, bảo thủ với những phước đức cầu danh nhỏ hẹp, không đủ căn cơ lãnh hộinhững tư tưởng mới lạ, cao thâm của ngài như sau đây: “.........Cả thế giới được nghĩ trong TÂM. Tất cả chư Phật, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đều được tạo thành ngay ở trong TÂM. Sự hiểu biết cũng được truyền bá từ TÂM sang TÂM nhờ vào lời nói. TÂM của mọi người đều đồng điệu, tương ứng trong thực tại muôn đời, với thực tế muôn đời. TÂM là PHẬT. Ngoài TÂM không có PHẬT. Sự giác ngộ nào ngoài TÂM linh động, ngoài thực tại của TÂM, tất cả đều là huyễn tượng. Duy chỉ có tư tưởng của TÂM, và sự an nghỉ của TÂM, mới chính là NIẾT BÀN thực sự. Cho nên, mình phải tự lắng nghe và tự nhìn thấy Phật tính ngay trong chính mình, mình chẳng cứu được ai cả.
Cũng như, không có ai có thể cứu được mình, mình không cần phải van xin, nguyện cầu bất cứ ai, vì không có vị Phật nào hiểu được mình hơn chính mình tự hiểu. Vì vậy, mình không phải học hỏi những sự hiểu biết trong các kinh sách , hoặc của bất cứ ai.......Thân xác là phù du, trong cuộc đời trôi nhanh, với thời gian ngắn ngủi nầy. Vậy ta phải tự giải thoát, bằng cách tự khám phá lại bóng hình của mình,.....TÂM ơi ! hỡi TÂM ! Mi lớn đến nỗi bao trùm cả vũ trụ, mi nhỏ đến nỗi mũi kim không thể xuyên qua lọt. Hỡi TÂM của ta ơi ! Mi là PHẬT, và chính vì mi mà ta phải lao đao qua tận Trung Quốc để giảng truyền đạo lý......”
VIỆC KẾ THỪA BỒ-ĐỀ ĐẠT–MA
Đạt Ma Tổ Sư Thiền hay là Thiền Tông Trung Hoa được chuyển hóa từ Thiền Tông Ấn Độ, do ngài Bồ Đề Đạt Ma khai sáng, trong chín năm “Diện Bích Tham Thiền” tại chùa Thiếu Lâm Tự (núi Tung Sơn). Sau đó, đúng theo lời tiên tri của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, trong bài kệ phú pháp truyền lại cho Nhị Tổ Huệ Khả là “Nhất Hoa Khai Ngũ Diệp, Kết Quả Tự Nhiên Thành.”
Về sau lịch sử kế thừa Thiền Tông Trung Hoa chứng minh, lần lượt, qua năm vị kế tổ như sau : 1-Nhị Tổ Huệ Khả (486 - 593), 2-Tam Tổ Tăng Xán (606), 4-Tứ Tổ Đạo Tín (580 - 651), 5-Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601 - 674), và 6-Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713).
Trong khoảng hai trăm (200) năm, sáu vị tổ sư đã gia công hưng thịnh Thiền Tông Trung Hoa. Từ đó, Thiền Tông được bành trướng sâu rộng vào các nước thuộc miền Đông Châu Á, như các nước:Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông,.....
Trong thời kỳ sơ khởi nầy, cách truyền dạy Thiền qua lời truyền khẩu (không có chữ viết), những lời dạy giản dị, dễ hiểu, và thực tiễn. Việc tu tập chủ yếu vẫn theo lối Ấn Độ. Đó là kỹ thuật “Quán Tâm Trong Tĩnh Lặng“. Hay nói theo danh từ nhà Thiền là “ Mặc Chiếu”.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ tám, Lục Tổ Huệ Năng có một số đệ tử xuất sắc, trong đó có hai người là Hoài Nhượng (?-788) và Hành Tư (? -775) có ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Mỗi vị lại có một số đệ tử xuất sắc như Mã Tổ ( ? - 788) và Thạch Đầu (700 - 790).
Hai vị nầy lại có một số đệ tử phi thường, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã sáng lập ra năm (5) phái thiền chính, vào thời đó như: -Phái Lâm Tế, -Phái Tào Động, -Phái Qui Ngưỡng, -Phái Vân Môn, và -Phái Pháp Nhãn.
Theo thời gian, ba phái Qui Ngưỡng, Vân Môn, và Pháp Nhãn không còn tồn tại, đều bị đồng hóa vào hai phái Lâm Tế hoặc Tào Động. Về sau, hai phái thiền độc nhất là Lâm Tế và Tào Động vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Trải qua nhiều thế hệ, hai phái nầy thường hay đối địch với nhau, Tào Động vẫn giữ việc tu tập “Mặc Chiếu”, theo truyền thống Ấn Độ. Còn Lâm Tế theo kiểu tu tập của Trung Hoa và Nhật Bản, có nghĩa là tham khảo Công Án (Thoại Đầu), cách nầy tập rất là rắc rối và khó Khăn.