Cách thức thờ Phật và thờ gia tiên
Bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên là không gian tâm linh không thể thiếu trong mỗi gia đình Phật tử Việt. Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi nhà mà chúng ta có thể thiết trí bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên cho thích hợp. “Tiền Phật hậu linh” là bàn thờ Phật đặt phía trước cao hơn và bàn thờ gia tiên đặt kế sau, thấp hơn bàn thờ Phật. Những gia đình có phòng thờ lớn, rộng rãi thường chọn cách thờ tự này. “Thượng Phật hạ linh” là bàn thờ Phật ở phía trên (dạng bàn thờ treo tường - [Xem thêm mẫu..]), bàn thờ gia tiên ở phía dưới. Cách thờ này dành cho các phòng thờ nhỏ, bàn thờ giản đơn. Ngoài ra, còn có một số cách thờ tự khác nữa nhưng nói chung, bàn thờ Phật bao giờ cũng phải cao hơn bàn thờ gia tiên để thể hiện lòng tôn kính Tam bảo.
Một trong những biến cách của "Thượng Phật , hạ linh"
[Mẫu bàn thờ Phật và Gia tiên...]
Về cách thức thờ Phật, thờ tượng Phật (chất liệu gỗ, gốm, thạch cao, đá…) hay tranh ảnh Phật (in, chụp, vẽ, thêu…) với hình thức tượng đứng hay ngồi đều được. Quan trọng là hình ảnh Phật phải đẹp đẽ và đầy đủ các hảo tướng. Thờ vị Phật hay Bồ tát nào là do nhân duyên của mỗi người, có thể thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm… Bàn thờ Phật phải đủ rộng để có thể tôn trí tượng Phật, bài trí lư hương, chén nước, bình hoa, dĩa quả và luôn sạch sẽ, trang nghiêm.
Bàn thờ gia tiên có thể bài trí di ảnh của những người mất (hay linh vị cửu huyền thất tổ nói chung) cùng lư hương, chén nước, hoa quả và đủ rộng để dọn một mâm cơm cúng ông bà cha mẹ khi kỵ giỗ. Lúc dọn về nhà mới thì nhanh chóng bài trí bàn thờ để hương khói phụng thờ tổ tiên mà không cần phải xem ngày giờ. Riêng bàn thờ Phật, sau khi chúng ta thỉnh Phật về tôn trí tại tư gia, nếu hội đủ duyên lành nên thỉnh ít nhất một vị thầy về nhà làm lễ an vị đồng thời cầu an cho gia đạo. Tuy vậy, khi chưa thỉnh được thầy về an vị Phật cho gia đình thì quý vị Phật tử vẫn có thể lễ bái, tụng niệm trước bàn thờ Phật bình thường.