Bồ Đề Đạt Ma - Gỗ hương, cao 90cm x rộng 60cm x dài 39cm
Khi đề cập đến Thiền Tông người ta hay liên tưởng đến Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người đã mang sứ mệnh cao cả truyền trao cho con người. Cuộc đời của Bồ Đề Đạt Ma tựa như ánh sáng rực rỡ quét sạch bóng đêm phủ xuống cuộc đời chớp nhoáng như điện xẹt và phong thái lạ lùng quái đản đó đưa tên tuổi của người đi vào huyền thoại. Cho đến bây giờ hình ảnh và âm vang vô tận của những lời thuyết pháp vẫn còn chấn động cả thiền môn, rung chuyển trong tận cùng tâm thức, hình bóng của người đã ngả dài trong suốt lịch sử nhân loại, vươn lên tìm một sinh lộ cho sự trở về uyên nguyên giác ngộ, không nhất thiết và giới hạn ở phương vị nào cho sự trở về ấy.
Chính những huyền thoại đã tạo nên con người vốn quái đản của Bồ Đề Đạt Ma lại càng quái đản và lạ lùng hơn, những huyền thoại đó đưa Bồ Đề Đạt Ma trở thành một kẻ phi thường nhất trong tất cả những kẻ phi thường. Những huyền thoại này như chiếc dép cỏ mà Bồ Đề Đạt Ma từng hùng dũng xách nó vượt suối băng ngàn phi hành trên ngọn thông lãnh, sự ngạo nghễ và những trận cười đinh tai, nhức óc rung chuyển cả núi đồi chập chùng, những âm vang đó vẫn còn phảng phất vang vọng đâu đây trong mỗi con người, trong mỗi thời đại theo sự chuyển vần của thời gian, không gian vô tận.
Hình ảnh của Bồ Đề Đạt Ma có phải là một nhân vật lịch sử hay một nhân vật huyền thoại do đời sau ngụy tạo và dựng lên? Có hai nhóm rõ rệt trong việc truy tìm, nghiên cứu tư liệu về cuộc đời của nhân vật hoang đường này. Nhóm thứ nhất, những nhà học giả như P.Pelliot, Conze v.v… đưa ra nhiều tư liệu nghi ngờ về lịch sử Bồ Đề Đạt Ma, họ cho đó là cách gây uy tín cho việc hình thành phát triển của Thiền Tông – bằng cách ngụy tạo ra dòng tổ bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nhóm thứ hai học giả Prabodh Chandra Bagchi, Hồ Thích v.v… lại cho rằng Bồ Đề Đạt Ma có mặt ở Trung Hoa khoảng 420 hay 486. Theo tài liệu viết vào khoảng 547 in trong Tripitaka do giáo sư Takakusu xuất bản có nói gặp một vị sư tên Bodhidharma trong một ngôi chùa ở Loyang.
Tất cả những dữ kiện về lịch sử không hẳn là một chứng cớ để chúng ta có thể tin tưởng được, hãy trả tất cả những nghi vấn về lịch sử cho những nhà khảo cổ. Với chúng ta điều quan trọng sự hiện hữu của Bồ Đề Đạt Ma dù huyền thoại hay không huyền thoại có giúp được gì trong hành trình đi đến giác ngộ hay không? Và cuộc đời của Bồ Đề Đạt Ma đã ảnh hưởng như thế nào trong tư tưởng của nhân loại?Những câu hỏi chúng ta đã đặt ra cũng chỉ là câu hỏi để trả lời và cũng để hỏi với chính ta.
Có những lúc ngôn ngữ không thể diễn tả trọn vẹn được ý tưởng thâm sâu mà con người cần phải nói. Tự nó vốn đã tuyệt lộ khi chính nó đã không lý giải được cho nó, ngôn ngữ vẫn có đường cùng của nó, nên đó chỉ là một phương tiện chuyên chở cái bóng dáng mờ mờ của tư tưởng và nhiều khi đã tạo nên những rắc rối và ngộ nhận đáng tiếc. Và trên hết nó đã không chuyên chở được sự thâm sâu, toàn triệt trong tận cùng của tâm thức.Chỉ có sự cảm nhận trong vô ngôn cửa miệng đóng mốc mới hiển lộ nên. Sự yên lặng của con người không có nghĩa là không có ngôn từ để diễn tả mà phải hiểu rằng chính ngôn từ đã không lý giải được sự cảm nhận sâu xa ấy.
Trên phương diện bình thường mà ngôn ngữ đã phải dừng lại, huống gì trên phương diện vượt thoát bùng vỡ của giác ngộ hay lập nguyện dấn thân ngôn ngữ càng bế tắc.Hễ mở miệng ra là bị kẹt và hễ mở miệng ra là rơi vào đối đãi, chấp trước ngay, vì thế các vị Thiền Sư đã từng dạy “Để miệng, đóng mốc” Và đó chỉ là quá trình để chuẩn bị nhìn ngắm về đối tượng ở góc cạnh phê phán. Con người vốn đã không chủ động được tâm thức của mình, bị sai sử và tác động do những phân hóa, đố kỵ và động cơ chính là không sáng suốt, nên hầu hết những quan niệm đều đồng nghĩa với sự sai sử, vì thế những phê phán nhận định dễ trở thành sản phẩm phi lý của trí thức ô nhiễm.
Và không khéo nó sẽ trở thành công cụ đày đọa, dày xéo chính kẻ đã và đang xử dụng nó như một quyền năng mà con người đang phải đối diện, ghê tởm, lắc đầu.
Vì vậy những luận cứ về một con người và nhất là một con người giác ngộ phải chăng ngôn ngữ đã phải cúi đầu?
Huyền thoại về Bồ Đề Đạt Ma cũng chỉ là huyền thoại và sự ca ngợi về Bồ Đề Đạt Ma cũng chỉ là ca ngợi, tất cả những điều ấy không đủ để dệt nên một con người tuyệt diệu như Bồ Đề Đạt Ma.
Một con người được mệnh xưng là kẻ phi thường trong lịch sử cổ kim của nhân loại, một kẻ đã đi trong cô đơn mang cả một tâm hồn nghệ sỹ và đã tung những chưởng lực mà cả triều đình Lương Võ Đế khiếp vía bay hồn, không tài nào hiểu được và cảm nhận lấy một chữ thâm hậu đó.
- Lương Võ Đế hỏi: Từ ngày tôi làm vua đến nay lập nhiều chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như vậy có được công đức không?
- Bồ Đề Đạt Ma đáp: Không có công đức gì cả.
- Vua hỏi: Tại sao không?
- Công đức ấy chỉ được tiểu quả ở cõi nhơn thiên mà thôi, vì còn thuộc nhơn hữu lậu, tuy có mà không thực.
- Làm thế nào mới gọi là chân công đức?
Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
- Trí thanh tịnh, thể vốn vắng lặng nhiệm mầu, công đức như vậy không thể lấy thế pháp mà cầu được.
Vua hỏi: Thánh Đế đệ nhất nghĩa là gì?
Bồ Đề Đạt Ma: Trống rỗng, không gì gọi là Thánh (Quách nhiên vô thánh).
Vua hỏi: Vậy chứ ai đang đối diện trước mặt trẫm đây?
Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
- Không biết (Bất thức)
Lương Võ Đế đã không vứt bỏ những gì do chính mình tạo, nên đã không trực nhận được những gì Bồ Đề Đạt Ma đáp, lời nói ấy quả như một chưởng lực siêu phàm làm cho Lương Võ Đế chới với không biết phải bám vào đâu. Và nếu Võ Đế cảm nhận đi chăng nữa thì sự cảm nhận đó vẫn chưa là dấu hiệu của một cảm thông tương quan, có thể nói đó chỉ là một thoại ngữ và họ Lương cần phải tốn cả tâm huyết mới hoàn thành được. Nó tựa như dòng sông trong xanh sâu thăm thẳm công năng của nó có thể cuốn phăng đi tất cả cặn bã của cuộc đời và ngược lại làm cho kẻ đứng ngắm hoảng kinh, dòng tâm của Ngài sâu hun hút không một lối đi vào nếu, không bằng vào cửa ngõ đi là vào cõi chết để biến dạng thành một con người hoàn toàn vượt thoát ra khỏi tử sinh, và Lương Võ Đế là một con người đã không muốn chết theo nghĩa đó, như vậy dĩ nhiên họ Võ đã không tìm thấy sinh lộ cho tiến trình giác ngộ ấy nơi Ngài.
Bồ Đề Đạt Ma lặng lẽ rời bỏ triều đình, Ngài đến chùa Thiếu Lâm quay mặt vào vách, trầm hùng chín năm nhìn vách đá yên lặng không nói một lời. Sự yên lặng ấy như là sự khinh bỉ cuộc đời đã không một ai có thể hiểu nổi con người của Bồ Đề Đạt Ma, và sự yên lặng ấy cũng là cách trắc nghiệm sự đi vào của kẻ khác bằng cách chấp nhận sự yên lặng của yên lặng và chờ đợi sự yên lặng để bùng vỡ. Và yên lặng ấy đã bùng vỡ khi Huệ Khả tìm đến trong một đêm mưa tuyết phủ đầy cả mặt đất, Huệ Khả đứng đó với tâm nguyện chờ đợi cánh cửa yên lặng chợt mở thì sẽ xông vào quỳ xuống đảnh lễ và dâng lên cả một sự cầu mong.
Có lẽ lúc đó Bồ Đề Đạt Ma thừa hiểu đã đến lúc không yên lặng.Tuy nhiên Ngài lại thích kéo dài sự yên lặng ấy càng lâu thì càng có công năng và biết đâu sẽ tuyệt diệu hơn.Và rồi Ngài đã đạt được như ý.
- Nhà ngươi mong cầu gì mà đứng mãi trong tuyết như thế?
Huệ Khả bạch: “Con đến để mong cầu giáo pháp vô thượng xin Ngài dũ lòng từ bi ban bố cho.”
Bồ Đề Đạt Ma bảo: “Giáo lý vô thượng của Phật khó có thể thành tựu ngay, phải trải qua một thời gian dài cần khổ, nhẫn những việc khó nhẫn, làm những việc khó làm. Tâm trí người thấp kém, lòng khinh mạn thì làm sao thành Phật được, chỉ luống công nhọc sức mà thôi.”
Huệ Khả một lòng cầu đạo, quên cả thân mạng của mình nên dùng dao chặt đứt cánh tay để tỏ lòng thành.
“Tâm con chưa an xin thầy an cho.”
Bồ Đề Đạt Ma nói: “Đem tâm ngươi ra đây ta an cho.”
Huệ Khả bạch sau một phút lưỡng lự:
“Con tìm mãi nhiều năm mà không thấy.”
Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”
Yếu chỉ của Thiền được qui tụ trong 4 câu:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
Tạm dịch:
Truyền riêng ngoài giáo
Chẳng lập văn tự
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật
Tất cả sự quyết định cho sự nghiệp giải thoát đều bắt nguồn từ Tâm, Tâm có thể là một chủ lực mạnh nhất trong việc đưa chính con người ấy đạt được an lạc, và cũng chính Tâm biến thành công cụ đạp đổ con người rơi xuống vũng sâu của tử sinh. Những thiền sư đã xử dụng phương pháp “Dĩ tâm truyền tâm” đẩy thẳng ánh sáng giác ngộ đi qua kẻ đối diện. Dĩ nhiên miếng đất tâm của người đối diện ấy đã được cày bừa kỹ lưỡng và trải qua mọi nhân tố để cho hạt giống được nẩy mầm một khi ánh sáng mặt trời sưởi ấm nó. Nó không nằm trong kiến giải, so đo tính toán được nữa.
Bởi lẽ những kiến giải chỉ là cách đo lường và tách xa giác ngộ hơn. Tâm ấy tựa như một luồng điện đi qua và ánh sáng bùng vỡ ngay, nó không còn nằm trong trạng thái chờ đợi để ấn nút xuống, nút ấy phải được mở sẵn chỉ chờ luồng điện đi qua là mọi tối tăm nơi tâm vén mở – hiển bày cả càn khôn và cả một vũ trụ tinh nguyên mà mấy mươi năm trời hành giả đã phải lận đận, bương chải và tìm phương vượt thoát.
Bất lập văn tự: Không có nghĩa là vất bỏ văn tự nếu áp dụng phương cách “dĩ văn tải đạo” thì không dính mắc nào trong chính ngôn từ đó. Con người luôn thích lý luận và căn cứ nơi ngôn từ để phán quyết. Điều đó không hẳn và thực sự đã trói buộc rơi vào làm kiếp con mọt đọc sách. Phải xoay những tư liệu ấy quán chiếu thẳng vào thể tánh mới thấy được đàng sau những ngôn từ đó hiển lộ những gì mà cổ đức đã trao truyền lại.
Văn tự vẫn là văn tự và không giúp được gì thật sự nếu con người không vứt nó vào hố thẳm, phải tiêu hóa ngay khi đã đọc một cách tuyệt diệu.Nó chỉ là tiến trình của kẻ khác và cũng chỉ là cánh cửa để người đọc biết dấu tìm vào.Và trên hết đó cũng chỉ là của kẻ khác. Hành trình đi tới để vào căn nhà uyên nguyên nhất định không còn mở sách ra để tìm cách đi vào. Bởi lẽ phải vứt bỏ tất cả ngay cả cái cần phải vứt đi cũng chưa chắc đi vào được, một ý niệm còn hưng khởi theo chiều hướng tôi, sẽ, đang, chuẩn bị vứt còn ngự trị, thì còn, sẽ, phải trôi lăn. Những gì được kể như vắng lặng, tròn đầy trong đó vẫn còn một chút vi tế thì hành giả phải bật tung ra khỏi đỉnh cao và rơi vào hố thẳm ngay.
Buông xả tất cả ngay cái buông xả đó, và buông xả không có nghĩa là không nắm bắt vì buông xả được hình thành cũng do tương quan đối đãi với nắm bắt mà lập, nên buông xả cũng có nghĩa là nắm bắt nên mới buông mà càng không có nghĩa là xả hết. Thiền không khéo trở nên phức tạp và mâu thuẫn chính nó. Tuy nhiên Thiền đã đạp tung và vượt lên trên tất cả những gì phức tạp nhất và mâu thuẫn cùng cực nhất. Nó cởi tung tất cả những triền phược trói buộc mà con người tạo nên. Thiền là một cái gì tươi mát không một ngôn từ nào có thể diễn tả được cái yếu nghĩa của nó như đói thì ăn cơm, khát thì uống nước. Thiền là phải hành hoạt, uyển chuyển, linh động tươi mát ngay trong cuộc sống thường nhật – Trong tất cả mọi động tác như: gánh nước, bửa củi, ăn uống làm việc v.v… đều phải hạ thủ công phu kiểm chứng nội tâm trong từng niệm niệm tương tục. Không phải lúc ngồi bất động trên giường thiền rơi vào trạng thái chết cứng lặng thinh (theo nghĩa gỗ đá) mà có thể đạt được yếu chỉ của Thiền. Cần phải dụng công trong mọi chiều hướng.Không một ai có thể cho chúng ta một ít khái niệm về Thiền và nếu có cho đó cũng chỉ là diệu dụng tùy nghi chứ không hẳn là Thiền.Thiền là vậy đó được bao phủ trong mâu thuẫn nhưng, không một mâu thuẫn nào có thể trói buộc được Thiền – và chính mâu thuẫn cũng có thể là Thiền.
Chủ trương của Thiền chỉ thẳng không quanh co, trực nhận ngay.Một khi thấy được bản lai diện mục mới có thể thành Phật.